Theo dự kiến, việc chạy thử kỹ thuật việc chuyển mạng giữ nguyên số cho các thuê bao di động sẽ được thực hiện từ tháng 12, với 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone.
Theo đề án được phê duyệt từ năm cuối 2013, việc chuyển mạng giữ số (MNP – Mobile Number Portability) phải được thực hiện từ 1/7 năm nay. Tuy nhiên, hiện tại một số nhà mạng nhỏ như Hanoi Telecom (Vietnamobile) vẫn muốn lui tới tháng 12/2017, tức là sau 2 năm nữa, do chưa kịp đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, Bộ Thông tin – Truyền thông vẫn tiến hành áp dụng chính sách mới do 3 nhà mạng lớn kể trên đã chiếm tới hơn 90% thị trường. Quá trình chạy thử có thể kéo dài hết 2016 để có thể chính thức áp dụng từ 2017.
Cơ quan quản lý cho biết trong thời gian tới sẽ thử nghiệm 2 chính sách điều tiết việc chuyển mạng giữ nguyên số là thời gian được chuyển đổi sang mạng thuê bao khác và mức phí chuyển đổi. Ví dụ, khoảng thời gian giữa 2 lần chuyển mạng giữ nguyên số của mỗi thuê bao. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia phải đủ năng lực phục vụ 4 triệu thuê bao chuyển mạng trong 3 năm, không giới hạn số lần.
Đối với thuê bao, khi muốn chuyển sang mạng khác mà giữ nguyên số, sẽ phải thực hiện yêu cầu chuyển đổi với mạng hiện tại, đóng phí và chờ đợi. Lợi ích của việc này là họ sẽ không cần phải nhắn tin thông báo thay đổi số liên lạc như trước đây.
Đối với các nhà mạng, quy trình chuyển mạng di động giữ số dự kiến gồm 7 bước: Tiếp nhận yêu cầu chuyển mạng của thuê bao; Kiểm tra điều kiện chuyển mạng; Lập lịch chuyển mạng; Thực hiện chuyển mạng; Cập nhật thông tin định tuyến sau chuyển mạng; Đồng bộ cơ sở dữ liệu thông tin định tuyến và thông tin của thuê bao vừa chuyển mạng; Thông báo cho khách hàng thông tin về quá trình chuyển mạng.
Trên thực tế, một số hãng viễn thông tại Việt Nam từng áp dụng hình thức giữ nguyên dải số cuối khi chuyển mạng để thu hút khách hàng. Khi mới xuất hiện, Viettel đã tung ra chương trình cho phép thuê bao VinaPhone và MobiFone khi chuyển sang mạng 098 chỉ phải thay đổi 3 số đầu (091 hoặc 090) và giữ nguyên 7 số cuối.