Khi tham gia Hội nghị di động lớn nhất thế giới ở Barcelona với một gian hàng, vấn đề then chốt không hẳn là tài chính, mà là công ty có gì đặc biệt để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Hội nghị di động thế giới (MWC) được tổ chức hàng năm và đều đặn đón một lượng khách tham quan rất lớn. Năm 2016, MWC có sự góp mặt của đại diện đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 2.000 công ty làm gian hàng triển lãm, và gần 100.000 người tham gia…
Những thương hiệu có gian hàng tại đây đều là các tập đoàn, công ty lớn của thế giới. Họ góp mặt để trình diễn, triển lãm những công nghệ, giải pháp, thiết bị… đặc biệt nhất của mình. Hay nói một cách đơn giản, họ có gì đó rất khác biệt hoặc vượt trội để “khoe” với thế giới.
Thực tế, việc tham gia MWC tại Barcelona với một gian hàng không đơn thuần là vấn đề tài chính (dù chi phí không nhỏ), mà điều quan trọng hơn là người góp mặt có gì đặc biệt để giới thiệu.
Tại MWC Barcelona, đầu tư để dựng gian hàng không quá khó, nhưng doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam “khoe” gì với thế giới mới là câu hỏi không dễ trả lời.
Nhưng năm nay, một công ty Việt Nam đã có lời giải.
Góp mặt tại Barcelona với gian hàng của mình, Viettel đem biểu tượng của nền văn hoá Đông Sơn (hoa văn trên trống đồng) vào thiết kế, Lần đầu tiên tại hội nghị di động lớn nhất thế giới, một hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam được giới thiệu một cách đẹp mắt. Tuy nhiên, phần hình ảnh bên ngoài không phải là thứ đặc biệt nhất mà công ty này muốn đưa tới.
Đến Barcelona, công ty Việt Nam giới thiệu công nghệ phổ cập viễn thông kết hợp với công nghệ thông tin rất đặc biệt ở những thị trường mới nổi. Công nghệ này đã được thế giới công nhận qua hàng loạt các giải thưởng như: Doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại các nước đang phát triển, Doanh nghiệp ấn tượng nhất của năm, Doanh nghiệp có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông tại khu vực nông thôn châu Phi (được mệnh danh là điều kỳ diệu châu Phi với dự án Movitel ở Mozambique)…
Những khách đến gian hàng Việt Nam sẽ không khỏi bất ngờ khi biết Viettel phổ cập thành công thông tin di động, thậm chí cả 3G ở những vùng đất nghèo khó, lạc hậu đến mức chưa có điện tại các nước châu Phi như Mozambique, Tanzania… Trước đó, họ đã thực hiện tốt điều này ở Việt Nam.
Viettel còn giới thiệu “quy luật 1-2-3 về viễn thông” khi đầu tư ra nước ngoài mà chưa một tập đoàn nào trên thế giới làm được: Năm đầu tiên khai trương là công ty số 1 về hạ tầng, năm thứ hai trở thành số 1 về mọi mặt (hạ tầng, doanh thu, thị phần) và thu hồi vốn, còn năm thứ ba bắt đầu chuyển lợi nhuận về nước. “Quy luật” này đã đúng với Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique… Cá biệt, dự án ở Đông Timor có lãi chỉ sau 6 tháng hoạt động.
Tuy nhiên, việc giới thiệu công nghệ phổ cập viễn thông kết hợp với công nghệ thông tin tới từng ngõ ngách của cuộc sống, cùng thành công khó tin tại những thị trường mới nổi chỉ là một mục tiêu. Nhiệm vụ quan trọng hơn của công ty Việt Nam là tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư, thậm chí cả ở những quốc gia đã phát triển.
Tại Barcelona, rất nhiều đoàn khách tham quan là lãnh đạo cấp cao của chính phủ các nước và điều này có thể đem đến những cơ hội mới cho Viettel. Liệu họ có thể tận dụng được cơ hội khi tham dự MWC 2016 và tạo nên các câu chuyện thành công mới? Thời gian sẽ cho câu trả lời.
Theo Dân trí